Thông tin liên quan Lê_Văn_Duyệt

Đời tư

Toàn thân tượng đồng Lê Văn Duyệt (đúc vào năm 2008[42]) trong lăng Ông Bà Chiểu.Mộ Lê Văn Duyệt (phải) và vợ (trái).

Đến năm 17 tuổi thì ông mới hoạn để chính thức làm thái giám. Thuở trẻ, ông thích đá gà, nuôi gà chọi. Ngoài ra, ông cũng là người sành thưởng thức hát bội và thường tự tay cầm chầu. Có thể tư chất yếu đuối có phần hơi nữ tính khiến ông bị Minh Mạng đặt chữ chửi bới trên mộ rằng "lại cái" (quyền yêm).

Sau này, do ông lập được nhiều công lao, khi lên ngôi, Vua Gia Long đã gả một người cung nhân tên là Đỗ Thị Phẫn (hay Phận)[43] về làm vợ ông, dù ông là thái giám.

Với vụ án oan Tống Thị Quyên

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, Quyển 2) chép:

Năm Minh Mạng thứ năm (1824), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị (Quyên). Tống thị vì thế thị dìm nước cho chết, còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín và dây thao, đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân, con trai con gái chỉ được biên chép phụ ở phía sau sổ tôn thất...

Lúc bấy giờ có tin đồn người mật tâu là Lê Văn Duyệt. Tuy nhiên, có người lại cho rằng đây là mưu sâu của nhà vua nhằm làm mất uy tín ông, đồng thời ly gián ông với phe ủng hộ "dòng trưởng" nối ngôi (tức ủng hộ Hoàng tôn Đán, tên thật là Nguyễn Phúc Mỹ Đường, con Hoàng tử Cảnh)[44].

Ngôi mộ của Tả Quân

Bài chi tiết: Lăng Lê Văn Duyệt

Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trong sách Gia Định xưa cho biết: "Theo lời các cố lão, ngôi mộ tại Gia Định Bình Hòa xã là ngôi mộ chôn bằng hình sáp, còn hài cốt thật thì về an táng tại làng Long Hưng, thuộc tỉnh Định Tường. (Tiền Giang ngày nay)"[45] Tuy nhiên, tháng 4 năm 2006, sau một cuộc khảo sát ông Lý Việt Dũng đã đưa ra kết quả ngược lại[31].

Dựng tượng

Ngày 4 tháng 2 năm 2008, tượng Tả Quân Lê Văn Duyệt đã được đặt trang trọng tại điện thờ tại Lăng Ông (số 1 đường Vũ Tùng, có cổng Tây tại số 126 đường Lê Văn Duyệt, phường 1, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 2,65 m, nặng 3 tấn do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện. Đây là ý tưởng của tạp chí Xưa & nay và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong chương trình Đúc tượng đồng cho lăng Ông.

Giao thiệp với ngoại quốc

Anh

Năm 1822, đại sứ nước Anh John Crawfurd trên hành trình đi sứ Xiêm và Cochin China [Việt Nam] đã ghé Sài Gòn và có cuộc gặp với quan Tổng trấn thành Gia Định.[46]

Crawfurd được biết rằng vua nước Cochin China hiện đang ở Huế, còn Chao-Kun [Tả Quân?][47], vị Thống đốc Lower Cochin China [Nam Kỳ], thì đang ở Saigun. Crawfurd nóng lòng được gặp vị quan ở Saigun đó, bởi ngoại trừ Kachao [Kẻ Chợ] ở Tonquin [Đông Kinh], thì [Sài Gòn] là nơi giàu có nhất vương quốc này.[46]

Ngày 2 tháng 9 năm 1822, đoàn hơn 30 người của Crawfurd được dẫn đi gặp Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Crawfurd và một số người được chở bằng năm con voi. Nơi tiếp khách trong thành Phiên An quá đơn sơ nếu so với chỗ của người Hoa. Người Việt Nam có tục tiếp khách trên mấy cái bàn thấp (bộ ván ngựa), trải chiếu hoa lên trên, quan lớn thì ngồi hàng đầu, quan nhỏ ngồi lần lượt phía sau. Ở giữa sảnh đường là một bộ bàn hơi cao hơn mấy cái khác, dành cho quan Tổng trấn. Đoàn của Crawfurd được mời ngồi ghế, bên phải quan Tổng trấn. Ngồi bên trái quan Tổng trấn là vị Phó tổng trấn [Trương Tấn Bửu], vị quan già khoảng 70 tuổi trông đáng kính và đẹp lão.[48] Quan Tổng trấn nghe đồn là một thái giám, nhưng không công khai, ông ta không có râu; tuy nhiên, người Việt dù có thích để râu thì không quá rậm rạp. Tiếng nói của quan Tổng trấn nhỏ nhẹ và khá giống giọng nữ nhưng không dễ nhận ra. Lúc này, vị Tổng trấn đã 58 tuổi, vẻ mặt sôi nổi và thông minh, ông ta hơi thấp bé và gầy, nhưng hoạt bát và không thấy cơ thể bị khuyết tật gì. Có điều, ông ta đã rụng khá nhiều răng. Ông ấy cũng ăn mặc giản dị với bộ đồ lụa và chiếc khăn quấn đầu màu đen. Crawfurd tặng quà cho Tổng trấn, ông ấy từ chối, rất khác biệt với các vị quan tham lam ở Xiêm. Một lần nữa, vị Tổng trấn lại đòi hỏi phải có thư của vua Anh gửi cho vua Việt, bởi vì chỉ có vua mới gửi thư cho vua. Nếu chỉ có thư của Toàn quyền Ấn Độ [một vị quan] thì ông ấy chỉ giúp chuyển nó cho vị quan Tượng binh [Mandarin of Elephants], người kiêm nhiệm Ngoại giao ở Huế. Vị quan Tượng binh này có thể là Chưởng Tượng quân kiêm quản lý Thương bạc sự vụ Nguyễn Đức Xuyên.[49][50][51][52] Quan Tổng trấn thậm chí còn không mở thư của Toàn quyền Hastings ra xem mà chỉ nhờ sơ qua phong bì rồi trả lại Crawfurd. Ngoài ra, vị Tổng trấn còn mời đoàn Crawfurd xem một buổi biểu diễn đấu nhau giữa voicọp. Crawfurd được tặng trâu, heo, gà vịt, heo quay.. đổi lại, Crawfurd bí mật tặng quan Tổng trấn thuốc súng.[46]

Người Cochin China rất mê đá gà (chọi gà). Ông Tổng trấn, chơi đá gà hai lần một tháng và mời nhiều quan chức tham dự.[46]

Tại Huế, ngày 12 tháng 10 năm 1822, không có cuộc gặp mặt nhà vua nào được tổ chức cho đoàn của Crawfurd. Ông được cho phép quay lại Đà Nẵng bằng đường bộ để tham quan. Trước khi rời Huế, Crawfurd đến phủ của vị quan Tượng binh (kiêm Ngoại giao) để thương thảo lần cuối. Quan Tượng binh đã chất vấn Crawfurd một số điều về cuộc ghé thăm Sài Gòn như: Crawfurd tự nguyện dâng thư của Toàn quyền Anh cho Tổng trấn [Lê Văn Duyệt] hay là ông ta [Lê Văn Duyệt] ép? Và rằng: Không ai được phép xem thư của nhà vua trước khi nó được trình lên ngài ấy cả. Crawfurd nhận ra sự ghen ghét của triều đình đối với quan Tổng trấn thành Gia Định. Theo tìm hiểu của Crawfurd, Lê Văn Duyệt không chỉ là nhân vật đứng đầu cả nước về đẳng cấp và quyền lực, mà còn ở sự cứng rắn, tài năng và liêm chính của ông ta. Việc Lê Văn Duyệt phải rời kinh đô để đi trấn thủ Gia Định là một mất mát lớn, khiến những quan chức tham lam không còn bị ai kiềm chế. Vua Minh Mạng cố nhiên đố kị với uy danh của quan Tổng trấn.[53]

Miến Điện

Việc giao thiệp với Miến Điện (hoặc Diến Điện, vương quốc Ava) là một trong những bằng cớ đầu tiên mà nhà Nguyễn dùng để kết tội chém và thắt cổ Lê Văn Duyệt.

Đại Nam Thực lục và Liệt truyện chép:[34][54]

Quý mùi, năm Minh Mệnh thứ 4 [1823], mùa đông, quốc vương nước Diến Điện sai sứ đến thông hiếu.

Khi trước Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt sai thuộc hạ là Nguyễn Văn Độ đi thuyền buôn sang các nước bên ngoài nước Hồng Mao tìm mua đồ binh dụng, bị gió bạt đến trấn Đào Quai nước Diến Điện. Vua Miến Điện sai bồi thần là Hợp Thời Thông Thụ Nhĩ Miêu Ty Chỉ-Tu-Giá Tha đem quốc thư và phẩm vật đến dâng, xin nước ta tuyệt giao với nước Xiêm. Sứ giả đến Gia Định, Duyệt cho dịch thư ấy ra tâu lên, việc giao cho đình thần bàn, khước lời xin ấy trả cả lễ cống.

Sai Quản cơ Nguyễn Văn Uẩn và Chánh tuần hải đô dinh Hoàng Trung Đồng đem binh thuyền và mang lương tiền 6 tháng, đưa sứ giả đến địa đầu Diến Điện thì về. Lại sai bộ Lễ đem việc ấy báo cho nước Xiêm. Người Xiêm gửi thư đến tạ.

Trong quyển sách của mình, John Crawfurd cũng ghi lại tường trình của sứ giả Miến Điện khi đến Việt Nam. Sứ giả Miến Điện là Gibson, có cha là người Anh, đã tường thuật khá chi tiết về hành trình và các sự kiện ở Gia Định Thành lúc ấy.

Năm 1822, một viên quan người Việt [Nguyễn Văn Độ] tâu với Chao Kun [Tả Quân] về việc mua tổ yến giả rẻ ở Miến Điện để mang về bán lại cho Trung Quốc. Viên quan này sau đó đi sang Miến Điện mà chỉ có sự cho phép của Chao Kun, không có sự đồng ý của triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Văn Độ sau đó tới Penang rồi qua Rangoon. Ông ta bị người Miến cầm tù rồi thả ra để dẫn một sứ đoàn Miến Điện sang Việt Nam, với ý muốn tạo một liên minh chống Xiêm. Đầu tháng 1 năm 1823, sứ đoàn Miến Điện quá cảnh Penang, bị cháy thuyền và phải đi nhờ một tàu buôn Bồ Đào Nha, sau đó họ đến Singapore rồi đi đến Vungtaô [Vũng Tàu], Canju [Cần Giờ]. Bốn chiếc thuyền từ Sài Gòn sau đó ra rước sứ đoàn vào thành. Triều đình nhà Nguyễn sau đó từ chối thiết lập ngoại giao với Miến Điện. Sứ đoàn được quân Nguyễn hộ tống đưa về nước qua ngả Singapore. Lúc này, Miến Điện và Anh xảy ra chiến tranh, sứ đoàn bị quân Anh cầm tù và dẫn về Tavoy. Đoàn quân Việt Nam được thả về nước, đại sứ Gibson gia nhập quân Anh làm thông dịch viên nhưng vài tháng sau thì mất vì bệnh dịch tả.[55]

Gibson cũng cho biết về sự ghét bỏ của Minh Mạng đối với đạo Công giáo: "Ngày 10 tháng 6 năm 1823,... hai vị quan người Pháp đến thăm sứ đoàn, họ cho biết có nhiều người Pháp đã ở nước này [Việt Nam] nhưng chỉ còn 2 vị lớn tuổi còn sống [ChaigneauVanier], tổng cộng có 5 người Pháp làm quan, còn lại là các nhà truyền giáo. Vị vua hiện tại [Minh Mạng] công khai thể hiện sự ghen ghét đối với người châu Âu và ngăn chặn sự theo đạo Công giáo. Ông ta cấm hai vị Giám mục hành đạo và làm nhục họ khi đến gặp mặt ông ta... Ngày 1 tháng 9, một viên quan người Pháp cho sứ đoàn hay rằng tất cả đồng hương của ông ấy đang chuẩn bị rời khỏi Cochin China [Việt Nam] ngay lập tức vì vị vua hiện tại đã kiên quyết thù nghịch với người châu Âu."[56]

Đối với quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Gibson tường trình: "Ngày 12 tháng 6 năm 1823, vị Thư ký của quan Tổng trấn mời sứ đoàn dự tiệc, chúng tôi được gặp quan Tổng trấn. Ông ta khoảng 50-60 tuổi, nhỏ con nhưng có nhiều tài năng và là một quân nhân nổi tiếng. Ông ta quê ở tỉnh Mitho, là người giúp việc của cố vương Gialong và đi theo ông này khi lưu vong ở Xiêm. Công lao của quan Tổng trấn đã đưa sự nghiệp của ông ta lên cấp cao. Ông ta rất được các quan Việt Nam kính nể, còn người KambojanXiêm thì kinh sợ... Ngày 30 tháng 6, sứ đoàn dâng lễ vật gồm nhiều loại đá quý lên quan Tổng trấn,... ông ta hỏi về các mỏ đá quý ở Ava và liệu người Miến có nghiêm túc chuyện muốn gây chiến với Xiêm hay không; ông ta tin rằng sẽ có một cuộc chiến giữa người Anh và người Xiêm vì mâu thuẫn ở Queda... Quan Tổng trấn rất hài hước và kể lại cuộc chiến giữa Xiêm và Miến khi ông ta lưu vong ở Xiêm với Gialong năm 1787... Ngày 10 tháng 7, Ongbo, viên quan bảo vệ, báo cho chúng tôi về việc tử hình 11 kẻ trộm bằng cách cho voi giày. Con voi này là con voi yêu thích của quan Tổng trấn. Tội phạm sẽ bị cột vào một cái cộc và con voi sẽ chạy đến giẫm từ phía sau... Ngày 31 tháng 7, chúng tôi được quan Tổng trấn mời dự lễ giỗ mẹ vợ ông ta. Chúng tôi thấy có các quan Tổng trấn, Phó Tổng trấn, Đổng lý Thanh tra [Trương Thừa Huy][57], quan chức Việt Nam và một viên tướng Kambojan... Đoàn tùy tùng của quan Tổng trấn rất hùng hậu: 60 con voi, ngựa, kiệu và hàng nghìn quân lính... Ngày 4 tháng 8, triều đình gửi thư gọi quan Tổng trấn về kinh đô vài tháng... Có ba hay bốn kẻ trộm bị xử tử hàng tuần. Quan Tổng trấn nghiêm khắc thực thi pháp luật, không để ai thoát tội. Ông ta nói những kẻ trộm không thể dùng vào việc gì cho xã hội, ngược lại còn là gánh nặng. Viên quan hộ tống chúng tôi từ Canju [Cần Giờ] cũng bị kết án ăn hối lộ và tham ô, quan Tổng trấn tịch thu tài sản và đóng gông hai vợ chồng viên quan này. Viên quan này ăn chặn tiền lương của nhân công đào kênh Athien [kênh Hà Tiên] và moi tiền của nông dân làng kế bên. Tổng số tiền không hơn một nghìn quan. Buổi chiều, chúng tôi được mời xem voi diễn. Đi ngang chợ, chúng tôi được biết có ba tội phạm bị giết sáng nay: các gông cùm vẫn còn... Quan Tổng trấn cưỡi con voi yêu thích. Một cuộc tập trận giả diễn ra. Sáu mươi con voi tấn công hàng phòng ngự bằng rào cây và quân lính có súng tay. Kỷ luật và mệnh lệnh được thực hiện rất tốt. Một màn diễn khác, hai con voi phải tấn công hình nộm sử tử hoặc cọp phun lửa và có nhiều lính bắn súng. Ít có con voi nào dám tấn công mục tiêu kiểu đó. Một viên quản tượng bị đánh 20 gậy do không làm được nhiệm vụ. Quan Tổng trấn cho con voi yêu thích tham gia tập trận; nó quỳ, nghiêng đầu, và chào chúng tôi. Quan Tổng trấn có cuộc trò truyện dài với chúng tôi, thông qua người phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha là Antonio. Ông ta nói sẽ về kinh khá lâu và sẽ giúp trình nguyện vọng của sứ đoàn, nhà vua hiếm khi bác bỏ lời tâu của ông ta. Tổng trấn hỏi chúng tôi liệu có xảy ra cuộc chiến giữa Anh và Xiêm không vì chuyện tranh chấp Queda. Tôi [Gibson] trả lời rằng nước Anh vô cùng hùng mạnh để Xiêm có thể tranh đấu. Quan Tổng trấn cho rằng người Anh đã để mắt tới Junk-Ceylon, Pulo, Lada, Quedah, và Perak; đó là những nơi giúp Penang thành trung tâm giao thương vì nó đã mất vị thế giao dịch với các nước phương Đông vào tay Malacca. Tôi nói rằng người Anh là các chính trị gia đại tài, họ không làm gì mà không có lý do. Quan Tổng trấn có vẻ rất rành về kết quả cuộc chiến của Hoàng đế Napoleon Bonaparte, cụ thể là trận Waterloo và cái chết của ông ấy ở St. Helena. Tổng trấn thương tiếc cho sự bất hạnh của con người vĩ đại ấy và giải thích cho các vị quan người Việt xung quanh, rằng sai lầm của Napoleon là quá tham vọng. Quan Tổng trấn nói thêm, sau khi khiến cả thế giới hỗn loạn bởi cuộc chiến dài, Napoleon chẳng làm được gì có ích cho nước Pháp. Tổng trấn ca ngợi nước Anh, nhưng cũng bảo rằng họ quá đỗi tham vọng... Ngày 1 tháng 9, Tổng trấn không thể về kinh đô do Phó Tổng trấn [Trương Tấn Bửu], độ 90 tuổi, người duy nhất được triều đình tin cậy, ngã bệnh nặng. Một vị quan khác sẽ được cử đến để trấn thủ các tỉnh miền Nam. Có hai sự việc thể hiện rõ sự nghiêm khắc và chuyên quyền của quan Tổng trấn. Một viên quan, trong đoàn tùy tùng sẽ về kinh với Tổng trấn, xin ông ta cho phép mình đi trễ vài ngày để ở lại chăm sóc vợ bệnh. Tổng trấn nổi giận, ra lệnh bắt viên quan đó đem chém đầu ngay trước cổng. Gần như cùng lúc, một viên quan gốc Tonquin [Bắc Thành], trông coi việc đào kênh Athien, đến chào hỏi Tổng trấn. Quan Tổng trấn trước đó đã nghe qua vài lỗi lầm của người này, và trước khi viên quan kịp lại hết lễ bốn lại, Tổng trấn sai người lôi viên quan ra chợ chém... Ngày 21 tháng 9, quan Tổng trấn đi viếng mộ cha mẹ ở Saigun. Ngày 1 tháng 10, có tin báo vị quan Tổng trấn mới [Trần Văn Năng] đang từ kinh đô đến. Ngày 6 tháng 10, một thuyền buôn Anh đến. Trước đó nó ghé Huế, trao đổi súng hỏa mai cho triều đình nhưng vua [Minh Mạng] chê không nhận vì thấy chúng kém hơn súng của Pháp. Viên thuyền trưởng mang theo thư của Tân Thống đốc SingaporeCrawfurd và được tiếp nhận bởi Tổng trấn [Lê Văn Duyệt]... Ngày 31 tháng 10, Tân Tổng trấn [Trần Văn Năng] đến cùng đoàn tùy tùng hơn 600 người. Người Xiêm lúc này cũng phát hiện ra sự có mặt của sứ đoàn Miến ở Việt Nam, thành phố Bangkok tăng cường cảnh giới. Chúng tôi [Gibson] được gọi đến thành [Gia Định], và trên đường gặp hai người lính bị đóng gông vì cãi lệnh và chửi cấp trên. Quan Tổng trấn nói rằng ông ta sẽ đi Huế ba tháng. Người thay ông ta, [Trần Văn Năng] khoảng 70 tuổi, một vị quan già và được cố vương [Gia Long] yêu thích, ngồi kế bên... Trong bữa tiệc, quan Tổng trấn đặc biệt chiếu cố ngồi kế sứ đoàn và thăm hỏi chúng tôi. Chúng tôi được giải trí cả ngày với các màn hát kịch, hát bội. Dịp này, chúng tôi thấy có sự tiếp đón 8 người ăn mặc rất nghèo khổ và rất khác biệt. Quan Tổng trấn ban cho họ mỗi người một bộ quần áo. Ông ta bảo rằng họ là những thổ dân thực sự của xứ này trước khi nó bị người Việt chinh phục, và họ có dân số đông hơn người Việt... Ngày 19 tháng 11, quan Tổng trấn Toàn quyền Tai-Kun [Tả Quân] khởi hành lúc 5 giờ chiều. Ông ta đi đến bến thuyền bằng kiệu mạ vàng, có lộng che hai tầng. Một đoàn tùy tùng lớn đi theo ông ta. Ba mươi chiếc thuyền tập hợp, với đoàn hộ tống cỡ khoảng 1.000 người[58]. Ông ta có vẻ phiền muộn khi ngồi trên thuyền. Khi ông ta xuất phát, Tân Tổng trấn và các quan vái bốn lại một cách trật tự. Ngày 23 tháng 11, đoàn thuyền từ Baria [Bà Rịa] trở về, quan Tổng trấn sẽ đi đường bộ từ đó đến Huế. Ong-Kiam-Loto, vị trưởng quan pháo binh, trên đường từ Baria về bỗng mắc bệnh tả và mất ở tuổi 65... Ngày 1 tháng 12, sứ đoàn nghe tin nạn đói xảy ra ở miền Bắc do nước biển dâng lên làm hư hại vụ mùa. Vài ngày trước, một người đàn ông bị chặt đầu vì đánh vợ đến chết. Chính quyền lúc này cũng đang gia cố bức tường của Yadentain [Gia Định Thành] bằng đá lấy ở gần Dongnai. Một nghìn lính làm việc cả ngày lẫn đêm... Ngày 13 tháng 2 năm 1824, sứ đoàn được tin triều Nguyễn sẽ cho thuyền đưa sứ đoàn về nước. Ngày 18 tháng 2, lúc 7 giờ sáng, chiếu chỉ của nhà vua được rước từ nhà Ong-Tan-Hiep đến thành trì Tổng trấn trên kiệu vàng, có sáu con voi hộ tống và nhiều quan chức theo sau. Vị Tân Tổng trấn ăn mặc lộng lẫy, có hình con sư tử trên áo. Có ba vị quan và một thư ký, cùng với 70 người sẽ hộ tống sứ đoàn về Ava. Họ là Ong-Kin, Ong-Kian, Bie Voung, và thư ký là Ong-Tri-Bohé. Ong-Kin là người gốc Hoa, cha ông ta là thủ lĩnh cướp biển nhưng theo phò cố vương Gialong lúc ở Pulo Condore [Côn Đảo] và thiết lập thủy quân lấy từ lực lượng hải tặc ở bờ biển Trung Quốc. Sau chiến tranh, những người này được cho định cư ở tả ngạn sông [Sài Gòn], [xóm Thủy Trại, xóm Tàu Ô][59][60][61] nơi mà con cháu của họ vẫn còn với dân số ba đến bốn trăm, nhận lương của triều đình và nghe lệnh khi được gọi... Ngày 26 tháng 2 năm 1824, Coe-Doe-Lam [Nguyễn Văn Độ] từ kinh đô về. Ông này cho hay rằng quan Tổng trấn [Lê Văn Duyệt] sẽ không về trước tháng 5, do ông ta phải dự đám cưới của người cháu Cadoa [Lê Văn Yến] với em gái vua [công chúa Ngọc Ngôn][62]. Quan Tổng trấn cũng khuyên nhà vua mở kho thóc bán cho dân, giúp giá lúa gạo giảm còn nửa quan tiền một thúng. Nạn đói đã khiến một cuộc nổi loạn xảy ra ở Tonquin và những người nổi dậy đã đầu hàng sau khi thương thuyết với quan Tổng trấn. Ngày 28 tháng 2, Monsieur Diard từ kinh về và được lệnh hộ tống sứ đoàn. Ông ấy cho biết vị quan đối ngoại [Mandarin of Strangers] từ chối liên minh với Miến Điện. Còn quan Tổng trấn và các vị người Pháp ChaigneauVanier lại ủng hộ liên minh. Cuối cùng vua [Minh Mạng] quyết định không liên minh. Ông ta cho rằng mình có thể chinh phạt Xiêm tức khắc nếu muốn. Chỉ có một mình quan Tổng trấn Tai-Kun thường hay tủm tỉm cười sự vô lý đó và gợi ý cho nhà vua biết rằng ông ta [Minh Mạng] cũng chỉ là một chư hầu của Hoàng đế Trung Hoa... Ngày 14 tháng 3, sứ đoàn Miến Điện lên thuyền về nước."[55]

Các quan chức Cao Miên ở Sài Gòn lúc ấy cũng được đề cập: "Ngày 19 tháng 6 năm 1823, Phó Tổng trấn [Trương Tấn Bửu] mời sứ đoàn dự tiệc. Nhiều quan chức Kambojan cũng có mặt; và họ được ưu ái cho mặc quan phục và dùng kiệu cáng theo kiểu Việt Nam; tuy nhiên người Kambojan cấp thấp vẫn mặc trang phục truyền thống của họ... Ngày 21 tháng 6, sứ đoàn được ghé thăm bởi Tể tướng Kamboja... Người Kambojans thể hiện sự ghen ghét người Xiêm; nhưng tôi [Gibson] nghĩ họ đang cố lấy lòng người Việt Nam; tôi nhận thấy người Kambojans hiện nay bị áp bức nhiều hơn dưới thời bị người Xiêm thống trị... Ngày 6 tháng 7, sứ đoàn đến thăm Tổng trấn nhưng được cho đợi ở chỗ của quan Phó Tổng trấn. Chúng tôi [Gibson] gặp các sứ giả Kambojan đang trên đường đến kinh đô Huế. Nhiều viên quan người Việt cũng ghé chào hỏi Phó Tổng trấn, họ trở về sau khi làm nhiệm vụ trông coi đào một con kênh lớn [Vĩnh Tế] giữa sông Kamboja [sông Cửu Long] và Athien [Hà Tiên] ở vịnh Xiêm... Ngày 28 tháng 8, người cô của vua Kamboja [Ang Chan II] ghé thăm sứ đoàn. Bà ta là vợ một vương tử Xiêm, sau khi ông ta mất mà họ không có con, bà ta được cho về nước. Bà ta có cuộc nói chuyện với người thông dịch tiếng Xiêm của chúng tôi mà không báo cho các quan người Việt biết. Ong-Bo và một vị quan già bị trị tội bằng đóng gông cổ. Antonio cũng bị 100 gậy. "[55]

Lê Văn Khôi, nhân vật thân cận của Lê Văn Duyệt, cũng được lưu ý: "Ngày 9 tháng 7 năm 1823, tôi [Gibson] ghé thăm viên Thư ký của quan Tổng trấn là Ong-tan-hip; chúng tôi có một cuộc thảo luận lớn về các tình hình chung, nhất là lợi ích của liên minh Miến - Việt... Viên Thư ký bộc trực nói rằng quan Tổng trấn quá quen với quân Xiêm, kỷ luật và chiến thuật của họ; nhưng ông ta không biết chút gì về quân Miến... Một sự việc hiếu kỳ xảy ra trước ngày quan Tổng trấn đi Huế [19 tháng 11]. Sự bắt giữ Ong-Quan-Taba-onhy và vợ bởi vì họ có mưu đồ ám hại Ong-Tan-Hiep, vị thư ký yêu thích của quan Tổng trấn. Vị này [Ong-Tan-Hiep] được nuôi nấng bởi quan Tổng trấn từ nhỏ; ông ấy có tham vọng, năng lực, phẫn uất; và ông ấy bị mọi người ở nơi làm việc ghét, thế nhưng ông ấy giàu có và quyền lực. Tất cả các viên quan cao cấp hơn ông ấy thường hay chờ đợi ở nhà ông ấy, nơi gần chỗ ở của chúng tôi [Gibson]. Chẳng có ngày nào mà ông ấy không nhận được quà tặng, rồi ông ấy bán nó lại cho một cửa tiệm của chính mình, kế bên cổng nhà; nhà ông ấy như cái chợ. Sự thù hằn giữa Ong-Tan-Hiep và Ong-Quan-Tabaonhy là do: Ong-Quan-Tabaonhy dốc hết túi để dụ một bà góa phụ giàu có, rồi ông Thư ký [Ong-Tan-Hiep] phỏng tay trên. Hai ông này không bao giờ là bạn nữa và tìm cách hại nhau. Viên Thư ký phát hiện Ong-Quan-Tabaonhy moi tiền công nhân đào kênh Athien và bắt giam[63]. Một ngày nọ, người vợ lẽ của Ong-Quan-Tabaonhy, tên là Che-day, gặp viên Thư ký ngoài đường và xin ông này cho cô ta tới nhà để nói chuyện quan trọng. Cô ta một mình đến nhà ông ấy lúc 8 giờ tối, trong phòng riêng, và nài nỉ ông ấy tha cho chồng mình. Sau đó, mọi người nghe cô ta kêu cứu: hiếp dâm, giết người. Cô ta lấy được một nắm tóc của viên Thư ký và đi báo án với quan Tổng trấn. Biết rằng tội ngoại tình sẽ bị hành hình, quan Tổng trấn điều tra và tìm ra mưu đồ của hai vợ chồng muốn hại viên Thư ký. Cô ta bị đánh 100 gậy, và cô ta chưa tới 20 tuổi."[55]

Cuộc sống ở Gia Định Thành cũng được Gibson miêu tả: "Ngày 28 tháng 12 năm 1823, hôm nay là sinh nhật Hoàng Thái hậu [Trần Thị Đang], thành phố được thắp sáng ba đêm liên tiếp... Ngày 3 tháng 1 năm 1824, bốn chiếc thuyền từ Trung Quốc đến mang theo 1.300 người. Họ trả 6 đô cho mỗi vé tàu. Sau khi đến, họ định cư và tản ra khắp nơi. Ngày 6 tháng 1, chúng tôi được biết về một loại gỗ làm thuốc, gọi là Akila hay Agila [trầm hương], loại hảo hạng có ở tỉnh Quinhon và người Việt còn dùng nó để trị bệnh tả. Cùng ngày, chúng tôi thấy quân lính luyện tập chèo thuyền ở bờ sông. Ngày 16 tháng 1, một tàu khác đến từ Trung Quốc mang theo 400 người. Những người Hoa nhập cư này định cư khắp xứ, dọc theo bờ sông: hành trang của họ chỉ là chiếu rách, áo vá. Hàng nghìn người Hoa dạng này hàng năm đến Xiêm và eo biển Malacca. Ngày 30 tháng 1 năm 1824, hôm nay là ngày cuối năm theo lịch Việt Nam, người dân bận bịu chuẩn bị đồ ăn cho ngày hôm sau vì chợ búa sẽ đóng cửa. Trước mỗi ngôi nhà đều dựng một cái cây [nêu] có treo lơ lửng lá trầu, thuốc lá và đồ cúng. Ngày 31 tháng 1, hôm nay là ngày đầu năm [mồng Một]. Người dân bỏ hết mọi công việc, và ăn vặn quần áo lễ hội, đi thăm viếng từ nhà này sang nhà khác. Mỗi ngôi nhà lại bày một cái bàn nhỏ, bên trên có bánh ngọt và nến, dùng để cúng tổ tiên. Người dân, bất kể già trẻ hay thân phận, chơi bài bạc khắp nơi trong thành phố; và cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng nghe tiếng các loại pháo. Ngày mồng Bảy [7th of the moon], ai có thể thì sẽ đi thăm bạn bè, họ hàng ở gần nhất và tặng quà. Buổi chiều, cây nêu bị hạ xuống. Cái bàn cúng cũng được dọn đồ ra cho người già ăn trong lễ. Trước đó, người trong nhà và khách khứa đã vái lại cái bàn trước. Người Việt ăn mọi thức thịt động vật, không phân biệt, kể cả thịt chó, mèo, chuột, cá sấu,... Ngày 18 tháng 2, hôm nay là ngày 17 Âm lịch[64], ngày kết thúc lễ hội. Một lễ chào với ba phát súng bắn ra từ tường thành, sau đó là các loạt súng và pháo từ các ngôi nhà trong thành phố. Toàn bộ quân lính kéo ra, vừa đánh trống và giơ cờ, họ diễu hành xung quanh thành trì. Sau đó họ hành quân đến bờ sông, có sẵn ba chiếc thuyền, một loạt súng chào mừng lại được bắn. Các chiếc thuyền chở đoàn diễu hành trên sông, theo sau bởi vô số xuồng ghe có trang trí cờ phướng, đèn, giáo,... Ngày 25 tháng 2, hỏa hoạn xảy ra gần nhà viên Thư ký [Lê Văn Khôi], Tổng trấn [Trần Văn Năng] hỗ trợ dập lửa. Hai căn nhà bị hư hại. Ngày 27 và các ngày sau lại có cháy nhà..."[55]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lê_Văn_Duyệt http://seasiavisions.library.cornell.edu/catalog/s... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baothuathienhue.vn/toa-dam-ra-mat-sach-ly-l... http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Bi-kich-cua-ta-... http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20100420/truong-... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://congbao1.binhthuan.gov.vn/vanban/882009nqhd... http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/139068/Mo-ta-qu... http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20080203/du... http://vtc.vn/dung-tuong-dong-le-van-duyet-tai-lan...